Sinh hoạt Câu lạc bộ Hen - Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). 

Chiều ngày 26/6/2024, Trung tâm Đào tạo Chỉ đạo tuyến phối hợp với khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình tổ chức buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Hen - COPD.

Từ năm 2010, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình đã thành lập “Phòng khám quản lý bệnh phổi mạn tính” để quản lý các bệnh nhân mắc bệnh Hen và Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đem lại hiệu quả rõ rệt, nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp bệnh nhân được tư vấn, kiểm soát bệnh nhân và điều trị đúng cách.

Ngoài việc khám tư vấn và cấp thuốc, khoa Nội hô hấp bệnh viện đã thành lập Câu lạc bộ bệnh nhân Hen-COPD và duy trì sinh hoạt cho bệnh nhân.

Chiều ngày 26/6/2024, Trung tâm Đào tạo Chỉ đạo tuyến phối hợp với khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình tổ chức buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Hen - COPD.

Dự buổi sinh hoạt có TTND.BS.CKII.Lê Chính Chuyên - Phó Giám đốc bệnh viện, BS.CKII.Vũ Phương Dung - Trưởng khoa Nội hô hấp, nhân viên y tế khoa Nội hô hấp và gần 100 bệnh nhân đang quản lý và điều trị tại bệnh viện.

Tại buổi sinh hoạt bệnh nhân được chia sẻ kiến thức về bệnh hen, COPD: phòng tránh các yếu tố nguy cơ khởi phát cơn cấp hen - COPD, vai trò của tiêm vắc xin; tác hại của thuốc lá và các biện pháp cai thuốc.

Qua buổi sinh hoạt CLB, giúp cho nhân viên y tế và bệnh nhân, giữa các bệnh nhân có sự trao đổi với nhau về cách dự phòng và điều trị bệnh hen - COPD, cập nhật thêm kiến thức, phương pháp điều trị mới để có thể duy trì tốt tình trạng sức khỏe.

Bệnh phổi mạn tính là bệnh hô hấp tiến triển âm thầm gây khó thở, gây suy hô hấp mạn tính và có thể gây ra các đợt cấp, dẫn đến tình trạng suy hô hấp cấp, bệnh làm hạn chế khả năng hoạt động hàng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Bệnh phổi mạn tính không chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát được nếu bệnh nhân được tư vấn và điều trị đúng cách.

Phòng tránh đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do nhiễm khuẩn giúp làm chậm tốc độ suy giảm chức năng hô hấp, giảm nguy cơ nhập viện, giảm nguy cơ tử vong. Một trong những biện pháp phòng tránh đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do nhiễm khuẩn là tiêm phòng vắc xin. Theo khuyến cáo của GOLD năm 2024, người bệnh mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên tiêm phòng vắc xin phòng cúm, phòng phế cầu, phòng ho gà, phòng Covid -19, phòng vi rút hợp bào hô hấp và phòng Zoster.

Bên cạnh đó, cai thuốc lá chính là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất để tăng hiệu quả điều trị.

Để kiểm soát và phòng tránh bệnh, cần thực hiện theo khuyến cáo của các chuyên gia về Hô hấp:

* Biện pháp kiểm soát bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hiệu quả:

- Bỏ thuốc lá.

- Sử dụng các loại thuốc giãn phế quản dạng phun, hít, xịt, khí dung: Các loại thuốc này sẽ giúp người bệnh thở dễ dàng hơn và cải thiện tình trạng hô hấp.

- Kháng sinh: Thuốc kháng sinh không được khuyến cáo để điều trị dự phòng COPD, chỉ được chỉ định trong một số trường hợp tái phát đợt cấp do nhiễm khuẩn ở phế quản phổi. Tuy nhiên, việc dùng kháng sinh điều trị nhiều lần có thể dẫn đến tình trạng đề kháng kháng sinh.

- Chế độ ăn uống đầy đủ các chất đạm, giàu vitamin A, D, E và khoáng chất (hoa quả, rau xanh…). Bổ sung các loại thực phẩm bổ sung có nguồn gốc rõ ràng, đồng thời, có chế độ nghỉ ngơi, kết hợp với phương pháp vật lý trị liệu phục hồi chức năng phổi (hô hấp liệu pháp), thể dục rèn luyện thể lực hợp lý theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

- Thở oxy: là liệu pháp hỗ trợ người bệnh đang trong tình trạng bị thiếu oxy máu, suy hô hấp. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, mà liệu pháp thở oxy ở bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được sử dụng ngắn hạn tại các cơ sở y tế hoặc được bác sĩ chỉ định sử dụng dài hạn tại nhà. Cụ thể là các trường hợp áp lực riêng phần của oxy trong máu động mạch < 50mmHg, hoặc áp lực riêng phần oxy trong máu động mạch từ 51-55mmHg nhưng kèm theo một trong các dấu hiệu của tâm phế mạn hoặc suy hô hấp mạn tính.

- Thở máy không xâm lấn: là hình thức hỗ trợ thở máy cho người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mà không sử dụng ống đặt nội khí quản. Liệu pháp này được bác sĩ chỉ định cho những trường hợp suy hô hấp cấp và mạn tính, giúp tránh được các biến chứng tiềm tàng khi thông khí cơ học xâm lấn. Ngoài ra, liệu pháp này còn được sử dụng để hỗ trợ liệu pháp cai thở máy. Thở máy không xâm lấn tại nhà đối với người bệnh có tăng CO2 máu ban ngày (PaCO2 ≥ 50 mmHg) kèm hoặc không tiền sử nhập viện gần đây hoặc người bệnh mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đồng mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ.

* Phòng tránh Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: cần bảo vệ sức khỏe lá phổi.

- Không hút thuốc lá, thuốc lào và các chất kích thích khác. Hạn chế tiếp xúc với khói thuốc dù chủ động hay thủ động.

- Đeo khẩu trang khi ra đường, đặc biệt khi tiếp xúc với khói, bụi. Cần đeo bảo hộ lao động khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Vệ sinh môi trường sống hợp lý, không đun bếp than, củi.

- Tránh lạnh đột ngột, vệ sinh mũi họng thường xuyên để đề phòng nhiễm trùng đường hô hấp trên; khi nhiễm trùng đường hô hấp trên thì cần nhận biết sớm và điều trị ngay.

- Điều trị và kiểm soát tốt các bệnh đồng mắc như đái tháo đường, tăng huyết áp, hen suyễn….

- Dinh dưỡng và vận động: Xây dựng chế độ dinh dưỡng đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng. Đồng thời, tập luyện thể thao thường xuyên để nâng cao thể trạng sức khỏe.

- Khám sức khỏe định kỳ: đây là yếu tố quan trọng giúp phát hiện sớm và kiểm soát COPD. Bệnh nhân phải thường xuyên kiểm tra để xem xét các triệu chứng và can thiệp biện pháp điều trị khi cần thiết.

- Sử dụng thuốc điều trị và điều trị dự phòng: Người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc khi có chỉ định như thuốc kháng sinh, thuốc giãn phế quản, corticoid, thở oxy… Cần phải điều trị dự phòng thuốc hằng ngày để kiểm soát tốt tình trạng bệnh và tránh các đợt cấp phải nhập viện điều trị với chi phí lớn, thậm chí đe dọa tính mạng.

- Tiêm chủng đầy đủ: Tiêm phòng là “vũ khí” ngừa bệnh hiệu quả, làm giảm bệnh tật nghiêm trọng và tử vong đối với bệnh nhân COPD. Tiêm chủng đầy đủ vắc xin Covid-19, vắc xin cúm, phế cầu khuẩn đã được chứng minh giúp giảm các đợt cấp COPD.

K.Nội hô hấp

Tổ truyền thông

127 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập